Sử dụng nước làm mát ô tô đúng cách bạn đã biết?
Các nhà sản xuất xe hơi luôn đưa ra khuyến cáo, lưu ý về những bộ phận dễ xảy ra vấn đề trên xe ô tô trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta có nhiều vấn đề cần quan tâm nên việc quên kiểm tra, bảo dưỡng phụ tùng xe ô tô là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đối với hệ thống làm mát nếu xảy ra vấn đề mà không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng lớn tới sự hoạt động, tuổi thọ của động cơ, thậm chí là gây ra sự hỏng hóc lớn trên toàn hệ thống, gây ra tổn thất lớn về kinh tế để khắc phục, sửa chữa.
Vì vậy, để tránh tình huống này xảy ra, các chủ xe cần phải có những kiến thức nhất định về hệ thống làm mát, đặc biệt là nước làm mát trên xe ô tô và đừng quên để ý tới bộ phận này.
Chức năng của nước làm mát trên xe ô tô
Chống ăn mòn kim loại: Két nước ô tô thường được làm từ hợp kim và chứa nước làm mát. Vì vậy, để tránh hiện tượng ăn mòn, các nước làm mát được sản xuất có chứa chất chống ăn mòn Glycol. Nó giúp chống ăn mòn két nước, nắp máy, bơm nước những thành phần được đúc bằng nhôm.
Ngăn ngừa sự quá nhiệt: Yêu cầu nhiệt độ sôi của nước phải cao hơn 100oC (so với nước bình thường) để tránh nước sôi dẫn đến bốc hơi, đặc biệt là trong mùa nắng nóng.
Chống đông: Ở những nơi lạnh, nhiệt độ xuống thấp thì khi động cơ hoạt động vẫn sinh ra một lượng nhiệt lớn và cần phải có hệ thống làm mát hoạt động tốt để giữ nhiệt độ động cơ ổn định. Vì vậy, trong nước làm mát phải có chất chống đông để có thể lưu chuyển đến động cơ.
Cách kiểm tra mức nước làm mát oto
Nước làm mát ô tô có thể bị tiêu hao do bị bốc hơi, két nước bị rò rỉ...Vì vậy, việc thường xuyên kiểm tra mức nước làm mát ở bình chứa phụ là điều cần thiết. Ở bình chứa phụ, các nhà sản xuất thiết kế có 2 vạch "full" và "low" để giúp người dùng biết được nước làm mát có trên xe là bao nhiêu. Bạn nên kiểm tra khi động cơ đang nguội, nếu mức nước nằm dưới vạch "low" thì bạn cần phải chêm thêm nước và đảm bảo mức nước luôn nằm trong khoảng "full", "low".
Bên cạnh đó, nước làm mát cần thay thế định kỳ 40.000 km để bảo vệ hệ thống làm mát làm việc tối ưu.
Phải làm gì khi động cơ ô tô quá nhiệt
Nhiệt độ của động cơ luôn được hiển thị trên bảng đồng hồ giúp người lái xe nắm được tình hình hoạt động của hệ thống. Nếu khi đồng hồ báo nhiệt độ nước làm mát cao nằm ở vùng Hot trong thời gian dài, cần thực hiện các bước sau:
- Dừng xe vào nơi an toàn, để động cơ vẫn hoạt động.
- Kiểm tra xem hơi nước có tỏa ra từ khoang động cơ hay không? Nếu không có hơi nước tỏa ra thì mở nắp ca-pô để thông gió động cơ. Nếu có hơi nước tỏa ra, phải dừng động cơ. Đợi đến khi hơi nước không tỏa ra nữa thì mở nắp ca-pô để thông gió, khởi động lại động cơ. Lưu ý: Không mở nắp ca-pô khi hơi nóng còn tỏa ra, hơi nóng và nước sôi có thể bắn ra gây nguy hiểm.
- Kiểm tra xem quạt giải nhiệt động cơ có làm việc hay không? Nếu quạt không làm việc thì dừng động cơ lại và liên hệ với đại lý ủy quyền gần nhất để được hỗ trợ.
- Sau khi nhiệt độ nước làm mát hạ xuống, dừng động cơ. Kiểm tra mực nước làm mát trong bình nước phụ. Nếu nước làm mát hết, đảm bảo nhiệt độ nước đã nguội trước khi mở nắp két nước, bởi vì hơi nóng/ nước sôi có thể phụt ra.
- Châm thêm nước làm mát vào bình nước phụ và két nước nếu cần thiết.
- Kiểm tra sự rò rỉ của ống nước, sự rơ lỏng hoặc hư hỏng của dây cu-roa. Nếu có trục trặc liên quan đến hệ thống làm mát thì hãy đưa xe đến đại lý gần nhất để sữa chữa.
Chú ý:
Không nên sử dụng cồn, các chất chống đông hay dung dịch nước làm mát khác hòa chung với nước làm mát trong xe bạn, nó có thể gây nên sự ăn mòn trong hệ thống làm mát. Để đặc tính chống ăn mòn và chống đông có hiệu quả, hãy giữ nồng độ chất chống đông khoảng 30%-60%. Không được mở nắp két nước khi động cơ nóng.
>> Xem thêm: 6 hư hỏng thường gặp ở hệ thống làm mát xe ô tô