Tại sao nên lắp lọc gió cho xe ô tô?
Sử dụng xe ô tô ngoài việc bạn biết điều khiển xe và nắm các luật quy định khi xe tham gia giao thông thì việc hiểu về các phụ tùng xe ô tô cũng là điều vô cùng quan trọng để xế yêu của bạn luôn trong trạng thái ổn định nhất. Bài viết hôm nay, Duy Tân muốn nói về phụ tùng lọc gió trên xe ô tô, tác dụng và vị trí lắp đặt của nó.
Trên một chiếc xe hơi hiện nay thường được lắp đặt lọc gió ở 2 vị trí: động cơ và điều hòa. Vậy lọc gió được lắp đặt trên xe ô tô có tác dụng gì? Tại sao lọc gió chỉ được lắp đặt ở 2 bộ phận này?
Về cơ bản, tác dụng của lọc gió ô tô nói chung là để ngăn chặn bụi bẩn, tạp chất có trong trong không khí, đảm bảo luồng khí mà xe sử dụng là sạch và đạt chuẩn.
Lọc gió ô tô trên hệ thống điều hòa
Điều hòa ô tô là bộ phận góp phần ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng luồng không khí mà người trong xe hít thở. Với chức năng mang tới sự mát mẻ cho con người, hệ thống điều hòa cần sử dụng không khí bên ngoài, làm giảm nhiệt độ của không khí xuống thấp và làm lạnh luồng khí đó.
Tuy nhiên, không khí trong môi trường sẽ có lẫn tạp chất, bụi bẩn nên luồng khí này trước khi được làm lạnh và thổi vào trong xe thì cần phải qua xử lý để đảm bảo độ sạch. Đó là lý do vì sao mà lọc gió ô tô cần được lắp đặt tại hệ thống điều hòa.
Nếu lọc gió điều hòa ô tô bị bẩn thì việc ngăn cản tạp chất sẽ kém hiệu quả, những cặn bẩn đó sẽ theo không khí bám vào dàn lạnh, lâu ngày sẽ khiến hiệu suất làm lạnh của dàn lạnh ô tô giảm xuống, thậm chí khiến dàn lạnh bị đóng băng, luồng không khí thổi vào xe không mát hoặc gây ra mùi hôi khó chịu trong xe.
Lọc gió ô tô trên hệ thống động cơ
Hệ thống động cơ là hệ thống quan trọng nhất đối với một chiếc xe hơi. Nó được ví như trái tim của con người vậy, nếu trái tim khỏe mạnh, ổn định thì con người mới khỏe và hoạt động tốt. Còn ngược lại, nếu trái tim yếu ớt thì con người sẽ thiếu sức sống, làm gì cũng sẽ khó khăn và kém hiệu quả hơn.
Khi hoạt động, động cơ cần phải đốt cháy nhiên liệu và để điều diễn ra suôn sẻ thì không khí mà động cơ sử dụng để đốt cháy phải là không khí sạch. Chính vì vậy, lọc gió được lắp đặt tại hệ thống này để đảm bảo tạp chất, bụi bẩn không lọt vào động cơ, từ đó giúp tiết kiệm nhiên liệu, tăng độ ổn định và độ bền cho hệ thống.
Tương tự như lọc gió điều hòa, khi bị bẩn thì chức năng lọc của lọc gió động cơ cũng sẽ giảm xuống khiến bụi bẩn, tạp chất có trong không khí không được lọc sạch, dẫn tới việc đốt cháy nhiên liệu khó khăn hơn, động cơ phải hoạt động nhiều hơn, lâu dài sẽ làm giảm tuổi thọ của các phụ tùng trên hệ thống.
Theo lời khuyên của các chuyên gia cũng như những người sử dụng ô tô có kinh nghiệm, lọc gió cần phải được thường xuyên kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ để đảm bảo chức năng lọc hoạt động hiệu quả, thường là sau mỗi chặng 3000 - 5000 km/lần. Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng, lọc gió có thể bị hư hại nên việc thay mới là vô cùng cần thiết khoảng sau mỗi chặng 15000 - 20000 km/lần.