4 dấu hiệu cần thay mới lọc gió trên xe hơi
Lọc gió ô tô có 2 loại: lọc gió động cơ và lọc gió điều hòa. Mặc dù được lắp đặt ở 2 vị trí khác nhau nhưng cả 2 đều đảm nhận chức năng thanh lọc không khí, ngăn cản bụi bẩn, tạp chất có trong không khí, từ đó đảm bảo hệ thống sử dụng không khí sạch, giúp xe vận hành ổn định, trơn tru. Với vai trò quan trọng đó, nếu lọc gió xe hơi xảy ra sự cố hoặc bị hư hại thì sẽ gây ra không ít phiền toái trên hệ thống.
Vì vậy, các chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô luôn đưa ra khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh và thay mới lọc gió theo đúng định kỳ để đảm bảo hiệu suất làm việc.
Tuy nhiên, cách sử dụng xe của mỗi người là khác nhau, dòng xe khác nhau, loại xe khác nhau thì tất nhiên việc bảo dưỡng, thay mới lọc gió ô tô cũng sẽ khác nhau. Vậy, làm sao để biết đã tới lúc xe cần thay lọc gió? Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi đó.
1. Xe bỗng nhiên chạy hao xăng
Khi bạn phát hiện ra hiện tượng xe bỗng nhiên bị hao xăng hơn nhiều so với bình thường thì đó là một trong những dấu hiệu cho thấy bộ phận lọc gió ở động cơ của xe làm việc không hiệu quả, bụi bẩn bám nhiều khiến không khí không được lọc sạch, từ đó dẫn đến động cơ cần nhiều nhiên liệu để đốt chạy trong khi vận hành.
Trong trường hợp này, bạn cần phải kiểm tra bộ phận lọc gió, nếu lọc gió còn tốt thì bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ là được, còn nếu lọc gió đã bị hư hại nhiều thì bạn cần phải thay lọc gió mới để đảm bảo hiệu suất làm việc.
>> Tin liên quan: Hướng dẫn cách thay lọc gió động cơ xe Kia Morning
2. Động cơ thường bị tắt đột ngột, công suất không ổn định
Khi bộ lọc gió động cơ bị hỏng, rách và bám nhiều bụi bẩn sẽ khiến các bụi bẩn lấp đầy vào các lỗ thông khí của bộ lọc, làm giảm lượng khí cần thiết vào động cơ dẫn tới công suất động cơ giảm, tạo nhiều muội than trong buồng đốt và bugi khiến động cơ thường xuyên bị tắt đột ngột. Lúc này bạn nên kiểm tra và thay thế lọc gió mới để đảm bảo xe vận hành tốt hơn, tránh bị lỗi hỏng nặng.
3. Động cơ nhanh bị nóng
Việc động cơ xe ô tô nhanh bị nóng có thể do hết nước làm mát hoặc hệ thống làm mát trên xe xảy ra sự cố. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có thể do lọc gió ở động cơ bị hư hại khiến bụi bẩn trong không khí lọt vào khoang động cơ và buồng đốt khiến động cơ hoạt động kém và gây ra hiện tượng nóng máy.
Trong trường hợp này, bạn cần kiểm tra cả 2 bộ phận hệ thống làm mát và lọc gió để tìm đúng nguyên nhân chính xác nhất. Bổ sung nước làm mát nếu thấy nước làm mát bị thiếu hụt; vệ sinh hoặc thay mới lọc gió nếu nguyên nhân xảy ra sự cố ở bộ phận này.
>> Tin liên quan: Phải làm gì khi sôi nước trong két nước ô tô?
4. Điều hòa ô tô không mát, độ lạnh không sâu, máy nóng
Nếu xe của bạn có hiện tượng khi bật điều hòa nhưng không khí không mát hoặc có mát nhưng không sâu, trong xe có mùi hôi khó chịu, nhanh nóng máy...thì đó là dấu hiệu cho thấy bộ lọc gió điều hòa của xe xảy ra vấn đề. Lúc này, bạn cần kiểm tra, vệ sinh, thay mới lọc gió nếu cần thiết.
Ngoài ra, để đảm bảo bộ lọc gió trên xe ô tô hoạt động ổn định, ít xảy ra sự cố, bạn cần phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lọc gió theo định kỳ 5.000 km/lần và thay mới sau mỗi chặng 20.000 km/lần. Số chặng km này có thể thay đổi ngắn hoặc dài hơn tùy thuộc vào điều kiện sử dụng xe của mỗi người, tuy nhiên bạn không nên để quá lâu sẽ gây ra những hậu quá hỏng hóc khác trên các hệ thống của xe.